Cách chăm sóc trẻ ra mồ hôi trộm không quá khó để thực hiện. Mẹ nhớ theo dõi biểu hiện cơ thể của con để có cách xử lý phù hợp.
Thông thường, khi thời tiết nóng bức hay vận động nhiều, cơ thể tiết ra mồ hôi như là một cách để làm mát cơ thể. Tuy nhiên, với một số trẻ, dù ở trong trạng thái tĩnh (không hề vận động gì) nhưng vẫn đổ mồ hôi nhiều ở vùng đầu, trán, gáy, lưng… đặc biệt là ban đêm. Triệu chứng này được gọi là đổ mồ hôi trộm về đêm.
Đổ mồ hôi trộm có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc do thiếu vitamin D3. Việc trẻ bị đổ mồ hôi trong lúc ngủ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số lưu ý về cách chăm sóc khi trẻ bị ra mồ hôi trộm:
Bổ sung thêm nước cho trẻ
Mồ hôi ra nhiều và kéo dài khiến trẻ mất nước, vì thế, bố mẹ cần lưu ý bổ sung thêm nước cho con để bù lượng nước đã bị thoát ra ngoài theo đường mồ hôi. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chiều theo sở thích của con là uống nước ngọt hay các nước công nghiệp đóng chai có sẵn mà nên cho con uống nước lọc, nước dừa, nước ép hoa quả, nước canh.
Một số nước ngọt có ga chứa rất nhiều đường, cản trở hấp thu canxi trong cơ thể, lại gây cảm giác no bụng cho trẻ… Bổ sung thức ăn dạng lỏng, sữa để cung cấp thêm năng lượng cho con.
Với các bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể tăng lượng sữa (nếu bé bú bình) hoặc cho con bú liền hơn (nếu trẻ bú mẹ).
Không tắm khi bé đang hoặc vừa đổ mồ hôi
Với các bé đang ra mồ hôi trộm, tắm là việc đặc biệt cấm kị mà bố mẹ cần nhớ. Lý do là bởi nếu tắm lúc này sẽ rất dễ khiến bé bị cảm lạnh, có thể gây viêm phổi, viêm phế quản.
Bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi bé bị đổ mồ hôi trộm, việc bố mẹ nên làm ngay là dùng khăn xô mềm lau mồ hôi cho con.
Hạn chế vận động khi con đổ mồ hôi trộm
Với các bé hay đổ nhiều mồ hôi trộm lúc ngủ, bố mẹ lưu ý không để bé chạy nhảy, vận động nhiều vào buổi tối, đặc biệt là sát giờ đi ngủ. Điều này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể khiến trẻ toát mồ hôi nhiều hơn.
Một số món ăn hạn chế ra mồ hôi trộm
Với trẻ ra mồ hôi trộm, chế độ ăn nên tăng cường các loại rau quả có tính mát như cải ngọt, cải đắng, bí đỏ, bí xanh, thanh long, cam quýt, hạn chế các thức ăn như thịt bò, tôm, cua, cá biển… các loại quả như mít, sầu riêng, xoài… vì các thực phẩm này chứa nhiều năng lượng dễ sinh nhiệt khi chuyển hóa làm cơ thể trẻ phải tiết ra nhiều mồ hôi, dễ gây ngứa và mụn ngoài da.
Trong đông y có một số bài thuốc là các món ăn có tác dụng giảm mồ hôi trộm ở trẻ như: nước đậu đen – long nhãn – táo tàu, nước mộc nhĩ – táo tàu, cháo gốc hẹ – thịt nạc, cháo sò hến, cháo đậu, cháo trai, cháo lá dâu, cháo cá quả, cháo gốc hẹ, chào sò hến, canh lá dâu, nước mộc nhĩ… Đây là các món ăn giúp trẻ giải nhiệt, bớt nóng trong làm giảm mồ hôi trộm.
Tạo không gian ngủ tốt nhất cho con
Trẻ dễ bị đổ mồ hôi khi ngủ trong phòng quá kín, không thoáng khí. Mẹ nhớ tạo không gian ngủ êm ái, dễ chịu, thoáng mát cho con để con không bị bí. Lúc ngủ không nên quấn bé quá chặt hoặc mặc quá nhiều quần áo mà chỉ mặc đủ ấm phù hợp với thời tiết. Lựa chọn quần áo có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
Trước khi ngủ mẹ có thể massage nhẹ nhàng cho con, cho con nghe nhạc thư giãn để giúp bé ngủ ngon hơn.
Bổ sung vitamin D cải thiện tình trạng mồ hôi trộm
Thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm về đêm ở trẻ. Nếu trẻ bị ra mồ hôi trộm đi kèm với các triệu chứng như hay quấy khóc về đêm, ngủ không ngon giấc, hay trằn trọc, giật mình khóc thét… nhiều khả năng con đang bị thiếu vitamin D. Bởi vậy, để cải thiện tình trạng đổ mồ hôi trộm về đêm (xảy ra thường xuyên, không phụ thuộc vào thời tiết, không khí trong phòng ngủ…), bố mẹ nên bổ sung vitamin D đúng cách cho con.
Việc bổ sung vitamin D3 có thể thực hiện bằng cách tắm nắng vào mỗi buổi sáng trước 9h vào mùa hè, trước 10h vào mùa đông. Thời gian tắm nắng tăng dần, lần đầu chỉ cần cho trẻ làm quen trong 5 phút, sau đó tăng dần lên 10 đến 15 phút.
Lưu ý khi tắm nắng, bố mẹ không nên bôi kem chống nắng cho con, nên để nhiều da của con tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng tốt, không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cung cấp một số thực phẩm có hàm lượng vitamin D3 tự nhiên để thêm vào khẩu phần ăn của trẻ như lòng đỏ trứng, đậu phụ, tôm, cá trích, cá hồi, gan bò… Tuy nhiên, lượng vitamin D3 trong các thực phẩm không nhiều, có thể bị hao hụt trong quá trình chế biến. Để khắc phục, phụ huynh có thể dùng sản phẩm bổ sung vitamin D3.
Song do thị trường hiện có khá nhiều loại vitamin D3, bố mẹ cần lưu ý chọn sản phẩm chính hãng, hiệu quả, chuẩn liều.