Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tăng trưởng chiều cao của trẻ nhưng nhiều bố mẹ vẫn chưa nhận thức được điều này.

Yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự tăng trưởng của trẻ, bao gồm cả tăng trưởng chiều cao, là hoóc-môn tăng trưởng GH. Hoóc-môn này do tuyến yên – một tuyến nội tiết trong não – tiết ra.

Hormone tăng trưởng GH được giải phóng trong suốt cả ngày nhưng đặc biệt nhiều nhất khi trẻ ngủ sâu, cơ thể tiết ra GH nhiều gấp 4 lần khi thức. Theo quy luật, khi chúng ta đi vào giấc ngủ, hoóc-môn tăng trưởng GH được sản sinh ra, sau 1 tiếng lượng hoóc-môn sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22h đêm cho tới 3h sáng. Do vậy, nếu trẻ ngủ quá muộn sau 22h sẽ bỏ lỡ quãng thời gian GH tiết ra nhiều nhất và gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là chiều cao. 

Nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ muộn quá mỗi đêm, chiều cao và cân nặng có thể tăng trưởng chậm hơn. Ở trẻ gặp phải những vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, việc sản xuất hoóc-môn tăng trưởng GH cũng có thể bị gián đoạn.

Không chỉ vậy, các hoóc-môn khác trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng khi trẻ ngủ không đủ giấc. Điển hình là hoóc-môn điều chỉnh cơn đói và sự thèm ăn, khiến trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít so với mức cần thiết. Thiếu ngủ vào ban đêm còn gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, khả năng tập trung, ghi nhớ của trẻ vào ban ngày.

Hầu hết trẻ em cần ngủ nhiều hơn và chiều cao cũng cần giấc ngủ nhiều hơn chúng ta nghĩ. Bởi vậy, nếu như bố mẹ nhận thấy con không cao được như bạn bè cùng lứa, hãy nghĩ đến việc kiểm tra lại thời gian biểu nghỉ ngơi và giấc ngủ của trẻ có được đảm bảo hay không.

Dưới đây là 1 số thói quen ngủ đúng cách giúp phát triển chiều cao mà bố mẹ cần biết:

Ngủ trước 10h tối

Như đã đề cập ở trên, ở thời điểm 22h đêm (tức 10h tối), hoóc-môn tăng trưởng GH sẽ đạt đỉnh và thời gian đạt đỉnh chỉ kéo dài cho đến 3h sáng, vì thế, bố mẹ nên tận dụng “thời gian vàng” này, cho trẻ đi ngủ trước 10h tối.

Thói quen ngủ muộn của bố mẹ có thể khiến con trở thành “cú đêm”, vì thế, bố mẹ cũng cần tạo cho mình thói quen lành mạnh là không thức quá khuya, đồng thời thực hiện thời gian biểu nghỉ ngơi hợp lý để trẻ đi ngủ sớm vào một giờ cố định.

Không kê gối quá cao

Việc để trẻ kê gối quá cao có thể vô tình làm cho chiều cao của trẻ không thể phát triển được. Bởi khi gối đầu cao, cổ sẽ bị cong, làm xương cột sống cong theo, lâu dẫn sẽ bị gù xương ở cổ hoặc vai.

Thói quen ngủ kê cao gối này có thể khiến người Việt mất đi từ 1 đến 4cm chiều cao.

Bên cạnh đó cũng không nên cho trẻ nhỏ nằm sấp rồi ngủ vì có thể làm trẻ bị ngạt thở.

Ngủ trong không gian tốt nhất

Không gian ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Bố mẹ nên tạo cho con không gian ngủ thoáng khí, yên tĩnh để con có thể ngủ sâu nhất có thể.

Có những trẻ rất thính ngủ, chỉ một âm thanh nhỏ cũng làm trẻ tỉnh giấc làm gián đoạn giấc ngủ, điều này cũng ảnh hưởng tới việc tăng trưởng chiều cao. Bởi thế, khi trẻ ngủ, người thân nên tránh làm ồn để trẻ ngủ ngon.

Không ngủ khi vừa ăn xong

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng cho trẻ ăn thức ăn phụ trước khi ngủ để trẻ khỏi đói và thức dậy trong đêm. Thực tế thì những chất dinh dưỡng trong thức ăn sẽ không thể tiêu hóa ngay được, dạ dày sẽ phải hoạt động làm trẻ ngủ không ngon giấc.

Bởi thế, bố mẹ cần lưu ý cho con ăn trước 30 phút đến 1 tiếng trước khi đi ngủ để dạ dày có thể tiêu hóa phần nào thức ăn.

Tập thói quen ngủ một mình

Ngủ chung với bố mẹ hoặc ông bà sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị phụ thuộc về tâm lý. Không những vậy, việc ngủ chung giường với người lớn khiến trẻ khó có thể hít thở được không khí trong lành.

Việc mẹ gối tay dưới đầu cho trẻ khi ngủ có thể khiến trẻ khó có giấc ngủ sâu.

Những cách giúp trẻ ngủ đủ giấc

Bố mẹ có thể giúp trẻ ngủ đủ giấc để có được quá trình tăng trưởng và phát triển chiều cao tốt nhất, bằng các cách đơn giản như sau:

Một là, thiết lập thời gian biểu ngủ hợp lý. Đối với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi mẫu giáo nên thiết lập giờ đi ngủ trước 9 giờ tối.

Trẻ ở độ tuổi đi học thường phải dậy sớm trong khoảng từ 6h đến 6h30 sáng nên trẻ cần bắt đầu đi ngủ vào khoảng 9 giờ tối.

Hai là, thiết lập thói quen ngủ để trẻ có được “đồng hồ sinh học” chuẩn và ổn định, giúp cơ thể quen với việc đi ngủ vào lúc cần thiết và thức dậy đúng giờ. Thói quen này có thể bao gồm thêm cả thời gian tắm và làm vệ sinh cố định mỗi ngày, bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ…

Ba là, tránh các hoạt động mạnh hoặc kích thích trước khi đi ngủ như chạy nhảy, chơi đùa, hò reo quá mức hoặc tập thể dục ngay trước khi đi ngủ.

Bốn là, đảm bảo thời gian biểu dành cho việc ngủ vẫn được thực hiện đầy đủ và chính xác kể cả vào cuối tuần hoặc đi chơi xa. Thói quen cần được hình thành và duy trì để không gây nhiễu loạn đồng hồ sinh học của trẻ và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Free 1900.588836