Có 3 điều sau mà bố mẹ tuyệt đối không được lười nếu muốn con cao lớn và phát triển toàn diện.

Khoa học đã chứng minh, chiều cao của một người không phụ thuộc hoàn toàn vào gen di truyền. Với người châu Á, gen tác động 60%, 40% còn lại có thể thay đổi được bởi các yếu tố dinh dưỡng, tập luyện, giấc ngủ, môi trường sống. Thêm nữa, để phát huy được 60% ảnh hưởng từ gen, các yếu tố 40% còn lại đóng vai trò không nhỏ. Vậy nên, nếu không muốn con thấp lùn, bố mẹ tuyệt đối đừng nên lười!

Lười chuẩn bị đồ ăn

Trong 40% các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, dinh dưỡng là yếu tố có tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, cách chọn thực phẩm và chế biến ảnh hưởng rất lớn tới hàm lượng dinh dưỡng mà trẻ nhận được.

Ngày nay, nhiều phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên quyết định sử dụng đồ ăn chế biến sẵn để “đỡ mất công chuẩn bị”. Điều đó khiến trẻ có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn các thực phẩm không lành mạnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng bữa ăn và sự phát triển thể chất.

Thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ béo phì – kẻ thù của chiều cao

Những thực phẩm chế biến sẵn cũng thường được tẩm ướp nhiều chất để tăng thời gian sử dụng, vẻ ngoài hấp dẫn, một số chất làm suy yếu sức khỏe xương khớp về lâu dài. Một số phụ gia thường được dùng trong chế biến giò chả, xúc xích chứa polyphosphate – chất có khả năng giúp tăng nhũ hoá, tạo gel kết dính, tạo độ giòn dai nhưng lại làm giảm khả năng hấp thụ canxi – thành phần chính trong cấu tạo xương.

Thực phẩm chế biến sẵn còn khiến bạn khó có thể kiểm soát được quá trình vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, ngoài ra còn có thể gây suy dinh dưỡng vì các chất xơ tự nhiên, vitamin, chất dinh dưỡng khác bị mất đi khá nhiều sau nhiều công đoạn chế biến. Ngược lại, một số loại lại làm trẻ dễ bị béo phì – tăng sức nặng lên xương làm trẻ khó phát triển chiều cao.

Vì thế, cách tốt nhất là bố mẹ tự lựa chọn các thực phẩm tươi sống và chế biến những bữa ăn giàu dinh dưỡng cho gia đình. Để tăng chiều cao cho trẻ, ngoài việc cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), phụ huynh nên chú ý thực phẩm có hàm lượng canxi cao và bổ sung vitamin D để trẻ có thể hấp thu tối đa lượng canxi đã được cung cấp qua thức ăn.

Thực phẩm giàu canxi kết hợp vitamin D sẽ hỗ trợ hệ xương phát triển, tăng chiều cao

Lười tập thể dục

Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA, Việt Nam nằm trong top 10 nước lười vận động nhất thế giới. Còn theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.

Có một thực tế là số người tập thể dục đều đặn hằng ngày lại là những người cao tuổi! Phải chăng, cuộc sống bận rộn đã khiến các bậc phụ huynh không thể sắp xếp thời gian tập tập thể dục thể thao mỗi ngày? Nhưng nếu bố mẹ không có thói quen vận động thể thao, liệu chúng ta có thể làm gương cho trẻ?

Trong khi một nghiên cứu của McCarthy, Jones và Clark-Carter (2008) cho thấy, sự tham gia tích cực của bố mẹ là một trong những yếu tố khiến trẻ thích trải nghiệm thể thao hơn.

Chơi thể thao là cách để cả nhà cùng khỏe mạnh và gắn kết tình cảm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 – 17 tuổi cần tham gia các môn như bơi lội, bóng đá, chạy,… ít nhất 60 phút/ngày để tăng cường sức khỏe cơ bắp và kích thích hệ xương phát triển. Đồng thời, thể dục thể thao được chứng minh làm tăng quá trình giải phóng hormone tăng trưởng GH giúp trẻ thêm cao.

Chỉ cần 10 – 15 phút vận động vào mỗi sáng, cả nhà đã có một ngày mới khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng. Khi đã thành một thói quen, bạn đừng lo lắng trẻ lười vận động và hiệu quả sẽ thấy rõ sau thời gian kiên trì cùng nhau.

Lười chơi với con

Không hiếm những bố mẹ khi ngồi cạnh con nhưng lại chăm chú vào chiếc điện thoại, mải chat chít và lướt facebook, không tập trung chơi với con. Có phụ huynh vì muốn được “yên thân” làm gì đó đã quẳng cho con chiếc điện thoại, ipad hoặc cho trẻ xem tivi. Điều này là nguyên nhân chính khiến trẻ nghiện các thiết bị điện tử, lười vận động, lâu dần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao.

Trong một nghiên cứu quốc tế với 6000 trẻ em từ 8- 13 tuổi do AVG Technologies thực hiện, 32% trẻ cho biết có cảm giác bản thân không quan trọng với bố mẹ khi họ sử dụng điện thoại trong các bữa ăn, các cuộc trò chuyện hoặc các tình huống khác.

Nhiều trẻ cảm thấy mình không quan trọng bằng chiếc điện thoại

Trẻ cảm thấy mình không quan trọng với bố mẹ và phải cạnh tranh với smartphone để thu hút sự chú ý của phụ huynh. Hơn nửa số trẻ em (hơn 3000 trẻ) cho biết bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại.

Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 1000 trẻ trong độ tuổi 4 – 18 tuổi còn cho thấy thực trạng đáng buồn rằng trẻ cảm thấy “buồn, điên, giận giữ và cô đơn” khi bố mẹ chỉ mải mê với chiếc điện thoại của mình. Thậm chí, vì phụ huynh quá mê smartphone, một số trẻ đã cố tình làm hỏng hoặc giấu điện thoại để được cha mẹ để ý.

Thực tế, một đứa trẻ muốn khỏe mạnh và phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần cần được sống trong môi trường vui vẻ, đầm ấm, được yêu thương, quan tâm. Các nhà khoa học đã chỉ ra, một đứa trẻ hạnh phúc, lượng hormone tăng trưởng tiết ra nhiều hơn 10%.

Vì thế, khi ở cùng con, bố mẹ hãy thực sự tập trung và hướng về con, tận hưởng khoảnh khắc ngắn ngủi mà bạn có để giúp con phát triển. Hãy quan tâm con thật nhiều để trẻ không cảm thấy bị lãng quên trong chính ngôi nhà của mình. Và nếu thực sự yêu con, vì con, hãy bớt lười đi!

(Theo Eva.vn)

Free 1900.588836