Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, đặc biệt là chiều cao nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách cho con ngủ đúng.
Vì sao giấc ngủ lại ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao?
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Hiểu một cách nôm na, ngủ là để nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng, giúp đầu óc tỉnh táo và minh mẫn hơn. Còn theo các nhà khoa học, giấc ngủ có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần. Sở dĩ giấc ngủ có vai trò quan trọng tới chiều cao của trẻ là bởi khi ngủ, tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng GH (Growth Hormone) – yếu tố chủ chốt giúp thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao.
Trên thực tế, hormone GH được giải phóng suốt cả ngày nhưng ở trạng thái ngủ sâu tiết ra nhiều hơn 4 lần so với lúc thức và cao nhất từ 22h đêm – 3h sáng hôm sau. Trẻ khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay giật mình quấy khóc trong thời điểm này đồng nghĩa với việc giấc ngủ sâu không được đảm bảo và việc tiết ra hormone GH bị ảnh hưởng.
Ảnh 1: Hormone tăng trưởng GH sẽ giảm dần khi con người trưởng thành và già đi, vì thế, hãy tận dụng lợi ích của hormone này trong tăng chiều cao cho trẻ ngay từ thơ bé
Bên cạnh đó, nghiên cứ của các nhà khoa học trường Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, hơn 90% sự phát triển xương diễn ra trong khi ngủ hoặc nghỉ và hầu như không có sự phát triển xương nào xảy ra khi đứng hoặc đi lại. Nguyên nhân được lý giải là do áp lực của trọng lượng cơ thể tác động lên lớp sụn ở đầu xương khi đứng khiến hệ xương khó có cơ hội phát triển như khi đang ở tư thế nằm. Nếu không có thời gian ngủ và nghỉ ngơi phù hợp, trẻ sẽ không thể có được chiều cao vượt trội.
Cách ngủ đúng để trẻ thêm cao
Tạo dựng thói quen ngủ tốt không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh mà còn thúc đẩy tăng trưởng chiều cao. Dưới đây là 1 số lưu ý mà bố mẹ đừng bỏ qua!
Ngủ đúng giờ
Giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Bố mẹ cần tập cho con thói quen ngủ sớm ngay từ khi còn nhỏ, nên đi ngủ lúc 21h tối để thời điểm hormone GH tiết ra mạnh nhất, trẻ đã ở trong trạng thái ngủ say.
Theo GS. Jodi Mindell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ, thuộc BV Nhi Bang Philadelphia, Mỹ cho biết, bố mẹ có thói quen ngủ trễ, trẻ cũng có xu hướng ngủ trễ sau 8 tháng tuổi. Vì thế, bố mẹ không nên thức quá khuya, làm gương cho con để trẻ đi ngủ đúng giờ.
Trẻ nên được rèn thói quen ngủ sớm và đúng giờ
Ngủ đủ và ngủ thoải mái
Tùy theo từng giai đoạn, nhu cầu ngủ của trẻ khác nhau. Theo Harriet Hiscock – chuyên gia Viện nhi Úc, thời gian ngủ lý tưởng cho trẻ từ 0 – 3 tháng tuổi là 14 – 18 tiếng, từ 4 – 11 tháng tuổi là 12 – 15 tiếng, từ 1 – 2 tuổi là 11 – 14 tiếng, từ 3 – 5 tuổi là 10 – 13 tiếng,… và có xu hướng giảm dần khi trẻ lớn lên nhưng vẫn nên đảm bảo trên 8 tiếng/ngày.
Không gian ngủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Hãy đảm bảo phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh để trẻ ngủ ngon hơn.
Tạo thói quen tốt trước khi đi ngủ
Trẻ cần được tạo môi trường ngủ không quá nhiều yếu tố làm bé không chịu ngủ, nên cất hết đồ chơi và hạn chế các thiết bị điện tử (tivi, điện thoại, ipad) trong phòng ngủ. Dừng chơi các hoạt động mạnh trước đó 1 tiếng. Nên tạo thói quen trước khi ngủ sẽ đọc sách, kể chuyện cho bé nghe và hôn chúc bé ngủ ngon…
Đừng để trẻ thiếu vitamin D ảnh hưởng đến giấc ngủ
Một số trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi thường có triệu chứng quấy khóc nhiều về đêm, ngủ không ngon giấc, ngủ hay trằn trọc, giật mình. Một số trẻ bị đổ mồ hôi trộm kể cả khi thời tiết lạnh. Những dấu hiệu này chứng tỏ bé đang đang thiếu vitamin D, bố mẹ nên bổ sung kịp thời để giấc ngủ của con không bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, thiếu vitamin D khiến trẻ có nguy cơ bị thấp còi, giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như huyết áp, tiểu đường, tim mạch,
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi trẻ em dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn đều cần bổ sung dự phòng là 400 IU/ngày để phòng ngừa còi xương, hỗ trợ hệ xương phát triển khỏe mạnh…
Tình trạng quấy khóc về đêm do thiếu vitamin D ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ
Tư thế ngủ đúng
Tư thế ngủ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ là nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, có thể nghiêng đầu hoặc giang tay chân tạo sự thoải mái và tránh co gập các khớp xương.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý sử dụng gối ngủ phù hợp với độ tuổi của con, tránh kê gối quá cao ảnh hưởng đến phần xương cổ và có thể khiến phần lưng bị cong, gây gù lưng.
Không nên cho bé đi ngủ ngay sau khi vừa ăn hay uống sữa xong vì việc nạp năng lượng cho bé trước khi ngủ sẽ khiến dạ dày phải hoạt động làm trẻ ngủ không sâu.
Bố mẹ cũng không nên cho bé ngủ ngày quá nhiều. Giấc ngủ ngắn trong ngày của con nên kết thúc trước 17h đối với trẻ dưới 7 tháng và trước 15h đối với trẻ từ 7 – 18 tháng tuổi trở lên.
Dù giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển thể chất của trẻ, tuy nhiên, để tăng chiều cao, trẻ cần được tác động một cách toàn diện, không riêng gì giấc ngủ. Đó là cần đảm bảo dinh dưỡng đa dạng, giàu canxi và đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D3 dự phòng hằng ngày để giúp cơ thể hấp thu canxi. Là việc vận động thể thao phù hợp với từng giai đoạn độ tuổi để kích thích các cơ, hệ xương và nội tiết tố phát triển. Bên cạnh đó, trẻ cần được sống trong môi trường vui vẻ, hạnh phúc, tránh stress, trầm cảm… để giúp cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.
(Theo Eva.vn)