Vitamin D3 là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của con người, đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Theo các nhà khoa học, thiếu vitamin D3 có thể gây ra nhiều chứng bệnh đáng lo ngại.
Các bệnh về xương
Vitamin D3 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương và sự phát triển của hệ xương, răng. Vi chất này giúp quá trình hấp thu canxi, phốt pho qua đường tiêu hóa trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tại xương, vitamin D3 cùng hoóc-môn cận giáp kích thích quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi vào xương. Nếu cơ thể có đầy đủ lượng vitamin D3 sẽ tạo điều kiện thiết yếu để canxi và phốt pho được gắn trong mô xương. Đây cũng là chất quan trọng giúp điều hoà cân bằng nội môi của canxi và phốt pho trong cơ thể.
Trẻ thiếu vitamin D3 có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương do chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng. Một số trẻ thiếu vitamin D3 thể nặng chân có dáng vòng kiềng hoặc chữ bát, ngực dô, đầu bẹt… ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.
Hàm lượng vitamin D3 trong cơ thể thấp có thể khiến bạn bị đau như cơ xơ hóa, đau nhức xương…
Bệnh béo phì
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, béo phì làm hạn chế khả năng cơ thể sử dụng vitamin D từ ánh sáng mặt trời cũng như thực phẩm vì các tế bào mỡ bám vào vitamin và không phóng thích vitamin D hiệu quả.
Trẻ em và người lớn béo phì có nhiều hơn 35% nguy cơ thiếu vitamin D so với những người có trọng lượng bình thường.
Bệnh tiểu đường
Kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nội tiết và Cơ chế chuyển hóa lâm sàng năm 2015 tại Tây Ban Nha chỉ rõ, những người bị bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường có nồng độ vitamin D thấp hơn so với những người có đường huyết bình thường.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc thiếu hụt vitamin D3 chính là một trong những lý do làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các kiểu rối loạn chuyển hóa khác.
Bệnh ung thư
Tác giả Taiki Yamaji đến từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản mới đây đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về mối liên quan giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ ung thư của người châu Á, cụ thể là Nhật Bản trên tạp chí The BMJ.
Tác giả đã thực hiện nghiên cứu đối với 33.736 người, tuổi từ 40 đến 69 trong vòng 16 năm. Kết quả cho thấy có hơn 3.300 trường hợp ung thư mới. Sau khi xem xét các nguy cơ ung thư như tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động thể lực, hút thuốc lá, uống rượu và chế độ ăn uống, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có hàm lượng vitamin D trong cơ thể cao thì nguy cơ mắc thấp hơn từ 20 đến 25% đối với tất cả các bệnh ung thư. Đặc biệt là với ung thư gan, nguy cơ ung thư thấp hơn từ 30 đến 55%.
Còn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, vitamin D3 cũng ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương và các tế bào ung thư vú. Cơ thể đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.
Mệt mỏi và đề kháng kém
Thiếu hụt vitamin D3 thường gây cảm giác mệt mỏi nhưng đây là triệu chứng dễ bị bỏ qua. Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc bổ sung vitamin D3 giúp giảm mệt mỏi đáng kể.
Bên cạnh đó, vitamin D3 còn được chứng minh tăng khả năng của tế bào T – có vai trò chống lại bệnh nhiễm trùng. Nếu bạn thiếu vitamin D3, thời gian điều trị có thể sẽ kéo dài lâu hơn so với người có đủ vi chất này trong cơ thể.
Tâm trạng thay đổi
Tiến sĩ Schreiber – bác sĩ chỉnh hình thần kinh cột sống, cho biết vitamin D3 có trách nhiệm kích hoạt gen điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng cũng như sự phát triển của não.
Thiếu vitamin D3 có thể dẫn đến chứng trầm cảm, rối loạn cảm giác theo mùa, đặc biệt là những tháng mùa đông khi có ít ánh sáng mặt trời.
Rụng tóc
Theo một nghiên cứu về Sinh lý học và Dược lý da, phụ nữ rụng tóc có nồng độ vitamin D3 thấp hơn đáng kể so với những người không bị rụng tóc. Các tác giả lý giải, vitamin D đóng góp vào quá trình thúc đẩy tóc từ giai đoạn nghỉ ngơi cho đến giai đoạn phát triển.
Còn các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những bệnh nhân bị bệnh rụng tóc từng vùng có nồng độ vitamin D3 thấp hơn đáng kể so với những người không bị bệnh này. Thậm chí, nếu vitamin D3 trong cơ thể càng thấp thì bệnh càng nghiêm trọng hơn.
Hội chứng tiền kinh nguyệt – PMS
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và PMS với phụ nữ trẻ, các nhà nghiên cứu tin rằng bổ sung vitamin D3 có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng này.
Kết quả nghiên cứu với phụ nữ trong độ tuổi từ 27- 44 có nồng độ vitamin D trong cơ thể cao thì nguy cơ mắc các triệu chứng PMS thấp hơn. Bên cạnh đó, lượng canxi cao hơn cũng liên quan với nguy cơ PMS thấp hơn.
Biến chứng khi mang thai
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giai đoạn bào thai là một trong những giai đoạn vàng về tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trong thời kỳ này, thai nhi lấy vitamin D3 trực tiếp từ cơ thể mẹ.
Nếu mẹ thiếu hụt vitamin D3 có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, dễ bị còi xương cũng như các vấn đề thần kinh đối khác khi chào đời.
Không chỉ vậy, thai phụ thiếu hụt vitamin D3 có thể gặp các biến chứng như tiền sản giật, cân nặng giảm sút, tiểu đường thai kỳ…