Vitamin D là vi chất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là đối với hệ xương, răng. Các nhóm trẻ dưới đây cần được bố mẹ bổ sung vitamin D kịp thời để phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin D
1. Trẻ sinh non, thiếu tháng, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp
Ở các trẻ sinh non, thiếu tháng, do lượng dự trữ canxi và vitamin D của thai nhi trong những tháng cuối thai kỳ thấp nên nguy cơ hạ canxi máu và vitamin D lớn hơn. Bởi vậy, các quốc gia trên thế giới đều khuyến nghị bổ sung sớm các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin D cho nhóm trẻ này.
Hội nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị trẻ sinh non cần được bổ sung tối thiểu 400 IU vitamin D mỗi ngày bên cạnh sữa công thức có bổ sung vitamin D. Còn theo Hội Tiêu hóa – Nhi khoa châu Âu, trẻ thiếu tháng bú sữa mẹ cần bổ sung thêm 1.000 IU vitamin D mỗi ngày.
Đối với trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2,5kg), trẻ sinh đôi, sinh ba, trẻ có làn da thẫm màu nên cân nhắc bổ sung từ 400 – 800 IU vitamin D/ngày liên tục từ tuần thứ 2 sau khi chào đời cho đến ít nhất 15 tháng, sau đó tiếp tục phác đồ thường.
2. Trẻ bú mẹ
Theo bác sĩ Carole Baggerly – Giám đốc GrassrootsHealth – Tổ chức phi lợi nhuận với mục đích làm tăng nhận thức về tầm quan trọng của vitamin D thì:
“Hầu hết phụ nữ sau sinh đều thiếu vitamin D nên sẽ không có vitamin D trong sữa mẹ để truyền sang cho con. Chỉ có khoảng từ 2-19% trẻ sơ sinh được bố mẹ tuân thủ bổ sung vitamin D. Điều đó đồng nghĩa với việc có hơn 80% trẻ sơ sinh thiếu vitamin D vì giai đoạn này vẫn bú mẹ là chủ yếu”.
Trẻ sinh đủ tháng, bú mẹ hoàn toàn nhưng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp do mẹ ít tắm nắng hoặc mẹ bị thiếu vitamin D nặng trong thời gian mang thai, trẻ không được tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trẻ sinh vào mùa đông. Nhóm trẻ này cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ từ khi sinh đến 18 tháng tuổi có bú mẹ hoặc không bú mẹ nếu uống ít hơn 1000 ml sữa có bổ sung vitmin D/ngày (hoặc khẩu phần vitamin D không đáp ứng 400 đv/ngày), nên uống bổ sung vitamin D 400 đv ngày liên tục.
Bên cạnh đó, các bà mẹ có thai hoặc cho con bú, nếu khẩu phần ăn không đủ vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng cần uống bổ sung thêm vitamin D với liều 400 – 600 IU/ngày hoặc dùng liều 1.000 -1.200 IU/ngày trong 3 tháng cuối của thời kỳ có thai để đảm bảo con nhận đủ vitamin D khi ở trong bụng mẹ.
3. Trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng, trẻ bị bệnh mạn tính
Đối với những trẻ phải dùng một số thuốc điều trị đặc biệt hoặc bị một số bệnh mạn tính, trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin D nên cần bổ sung liều cao hơn.
Trẻ em và vị thành niên không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng dưới 500 ml sữa có bổ sung vitamin D nên bổ sung vitamin D liều 400 IU/ngày.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến nghị, bổ sung vitamin D liều hàng ngày là cách an toàn nhất. Hạn chế dùng vitamin D liều cao trong dự phòng và điều trị vì dễ gây ngộ độc.
Nếu dùng vitamin D quá cao (liều dùng lớn hơn 1.000.000 đơn vị quốc tế trong vòng 7 ngày) thì có thể gây chứng thừa vitamin D với các dấu hiệu kém ăn, nhức đầu, buồn nôn, ỉa chảy, có albumin trong nước tiểu, sỏi thận, sỏi bàng quang, cao huyết áp…
Đặc biệt là khi mắt có 2 triệu chứng sau cần đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị:
Tại kết mạc (là lớp màng mỏng che trước lòng trắng của mắt) có những nốt nhỏ, trắng nhạt, sắp xếp thành hàng ngang hay cong queo rồi đổ vào vùng rìa của lòng đen (giác mạc).
Tại giác mạc có hiện tượng viêm giác mạc hình dải băng.