Chân vòng kiềng ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, dáng đi khi trưởng thành và còn làm hạn chế chiều cao của trẻ. Nhưng bố mẹ có thể phòng ngừa nếu hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này.

Chân vòng kiềng không hoàn toàn do di truyền

Chân vòng kiềng thường không khó để nhận biết, khi khép chân lại, hai chân không thể thẳng song song mà bị cong ra phía ngoài tạo thành hình giống chữ O.

Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường chân vẫn chưa thẳng do tư thế khi nằm trong bụng mẹ. Chân sẽ thẳng dần khi trẻ bắt đầu biết đi, đến khoảng 18 tháng tuổi đa phần các trẻ hết tình trạng chân cong. Tuy nhiên, nếu trẻ từ 2-3 tuổi vẫn còn tình trạng chân cong, 2 đầu gối vẫn cách xa nhau thì chứng tỏ trẻ bị chân vòng kiềng bệnh lý.

Từ trái sang: Chân chữ X, chân bình thường, chân chữ O

Vậy nguyên nhân của chân vòng kiềng là do đâu? Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ bị chân hình chữ O là do di truyền từ người thân. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, nếu bố mẹ bị chân cong thì con cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của chứng chân vòng kiềng là bởi bệnh còi xương do thiếu vitamin D, khiến xương trở nên yếu.

Vitamin D làm tăng khả năng hấp thu canxi, phospho qua đường tiêu hóa, làm tăng quá trình lắng đọng canxi vào xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn vào các mô xương, thiếu vi chất này trong thời gian dài khiến việc hấp thu canxi, phospho gặp trở ngại, xương khó phát triển khỏe mạnh bình thường. Đặc biệt là trong giai đoạn tập đi, chân phải chịu lực của cơ thể, nếu hệ xương không khỏe mạnh rất dễ dẫn đến chân vòng kiềng.

Ngoài ra, chân trẻ bị cong còn có thể do bệnh Blount – một rối loạn phát triển xương ở xương ống chân (xương chày) khiến xương phát triển bất thường. Song tỉ lệ người mắc bệnh này khá thấp, dưới 1%.

Mặt khác, tình trạng béo phì, thừa cân cũng là một yếu tố nguy cơ làm trẻ bị chân vòng kiềng. Khi hệ xương của trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh, nếu trẻ quá béo sẽ làm áp lực nâng đỡ cơ thể lên đôi chân càng lớn khiến chân dễ bị cong hơn. Hơn nữa, nếu bố mẹ cho trẻ tập đi quá sớm khi xương chưa phát triển ổn định cũng có thể dẫn đến tình trạng vòng kiềng.

Tập đi quá sớm dễ khiến trẻ bị chân vòng kiềng

Đừng để con mặc cảm vì nỗi ám ảnh chân vòng kiềng

Vóc dáng không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà là yếu tố tâm lý quyết định sự tự tin ở mỗi người, đặc biệt là trẻ gái. Không chỉ vậy, chân vòng kiềng còn khiến chiều cao của trẻ bị giảm đi đáng kể. Triệu chứng này nếu không được điều trị kịp thời còn dẫn đến những nguy cơ như trẻ khó đi lại, vận động, nguy cơ viêm khớp cao hơn trong cuộc sống sau này.

Để phòng ngừa hoặc điều trị chân vòng kiềng, bố mẹ cần bắt đầu từ căn nguyên dẫn đến tình trạng này. Nếu không phải vì lý do di truyền, phụ huynh hoàn toàn có thể phòng tránh chân vòng kiềng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học hoặc những bài tập luyện phù hợp để hệ xương của trẻ dẻo dai, khỏe mạnh hơn.

Đa phần các trường hợp chân vòng kiềng do thiếu vitamin D, vì thế, bố mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu canxi và bổ sung vitamin D để trẻ có thể hấp thu được lượng canxi này, góp phần giúp hệ xương trở nên khỏe mạnh hơn.

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi

Trẻ có thể nhận vitamin D bằng cách tắm nắng đúng trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến trước 4h chiều hoặc sử dụng các sản phẩm bổ sung.

Giáo sư Dame Sally Davies – Trưởng ban Y tế Chính phủ Anh từng đưa ra khuyến cáo, tất cả các trẻ dưới 5 tuổi đều nên bổ sung vitamin D mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng chân vòng kiềng. Khuyến cáo được ra sau khi một báo cáo cho thấy sự gia tăng đáng kể trường hợp trẻ bị vòng kiềng tại Anh.

Còn theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi trẻ dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn đều cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày từ khi sinh ra để phòng ngừa còi xương, giúp hệ xương phát triển.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng cần lưu ý yếu tố cân đối và lành mạnh, hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, các bánh kẹo ngọt… khiến trẻ tăng cân quá nhiều, gây áp lực lên xương.

Bên cạnh đó, phụ huynh không nên cho trẻ tập đi khi quá sớm mà nên dựa vào từng giai đoạn phát triển của trẻ để có cách vận động, tập luyện phù hợp. Không nên gây áp lực về vấn đề chân vòng kiềng khiến trẻ tự ti vào bản thân, tạo tâm lý không tốt ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trẻ. Một số trường hợp bệnh lý khác, trẻ cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị riêng.

(Theo Eva.vn)

Free 1900.588836