Lần đầu làm mẹ hẳn nhiều chị em sẽ lóng ngóng và lo lắng, sợ mình sẽ không làm tốt. Dưới đây là một số lưu ý mà có thể tham khảo để quá trình chăm sóc con yêu trở nên nhẹ nhàng hơn.
1. Cách cho con bú chuẩn nhất
Khi cho con bú, các bà mẹ thường bế con bằng tay gần đầu bé nhất, giữ phần bầu ngực bằng cánh tay còn lại. Điều này được cho là tốt cho trẻ lớn, còn với bé sơ sinh thì nên làm ngược lại. Mẹ dùng tay gần đầu bé nhất để giữ phần bầu ngực, tay còn lại đỡ lưng và cổ bé.
2. Cho ăn khi con muốn
Thường khi đói bé sẽ mút tay. Mẹ có thể căn cứ điều này để cho bé bú. Nên cho trẻ ăn đúng cữ, thường trẻ sơ sinh bú 8 – 12 lần/ngày, tương đương với khoảng thời gian 2-3 tiếng lại ăn một lần. Tất nhiên, mẹ cần quan sát dấu hiệu của con, cần nhớ các cữ không cách nhau quá 4 tiếng.
3. Để ý ngôn ngữ cơ thể bé
Không chỉ khóc là cách duy nhất bé cố gắng giao tiếp với người thân, bố mẹ có thể chú ý đến ngôn ngữ cơ thể bé. Chẳng hạn như khi bé siết chặt tay thì có thể bé bị căng thẳng hoặc đói, đạp chân tay liên tục cho thấy bé có thể muốn chơi.
4. Không cho bé ngậm núm ti giả trước khi bú
Trẻ sơ sinh có phản xạ bản năng là mút, điều này khiến cho việc dùng bình sữa và núm ti giả dễ sử dụng hơn. Song, bố mẹ hãy đợi khi bé được 2 – 4 tuần tuổi mới giới thiệu ti giả để bé quen với việc bú mẹ trước khi ngậm ti giả.
5. Nhiệt độ ấm nóng có thể kích thích tiết sữa
Trước khi cho con bú từ 15 – 30 phút, mẹ uống một cốc nước và sữa ấm sẽ kích thích sữa về nhiều hơn.
Nếu ngực của mẹ bị căng hoặc bị tắc ống dẫn, một chút nhiệt nóng có thể giúp thông tắc. Mẹ có thể đặt 1 chiếc khăn ấm lên ngực sẽ giúp sữa chảy ra hoặc 1 túi chườm sẽ giúp mẹ đỡ đau hơn.
6. Làm giả bụng mẹ để dỗ bé
Nếu bé quấy khóc, khó ngủ, mẹ có thể tạo một không gian cho bé cảm nhận như đang ở trong bụng mẹ. Mẹ dùng chiếc khăn dài quấn bé, đung đưa, bế bé ở hai bên và thậm chí cho phép bé mút ngón tay cái vì ngay từ khi trong bụng mẹ, bé đã mút ngón tay cái để thư giãn.
7. Xoa dịu bé bằng âm nhạc
Bé khó chịu trong người, bé khó ngủ, mẹ có thể bật cho con nhe những bản nhạc không lời nhẹ nhàng để giúp bé thư thái hơn. Thậm chí, một số thông tin cho rằng, bé được nghe nhạc cổ điển trong khung giờ nhất định sẽ kích thích trí não phát triển rất tốt.
8. Cẩn thận khi thoa kem dưỡng da
Làn da trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng. Nếu mẹ muốn tập thói quen thoa kem dưỡng da hoặc dầu cho bé, hãy thử sử dụng một đốm trên một phần nhỏ của cơ thể bé để xem có phản ứng gì không trước khi thoa trên vùng rộng.
9. Vệ sinh răng miệng không kể lứa tuổi
Dù trẻ sơ sinh chưa có răng nhưng bố mẹ cũng nên lơ là việc chăm sóc răng miệng cho bé. Hãy dùng một ít gạc ướt để lau nướu, đầu lưỡi của bé, nhưng lưu ý không nên lau khi bé vừa ăn xong.
10. Cho bé lên giường ngủ khi vẫn còn thức
Cách tốt nhất để rèn nếp tự ngủ cho bé là nên cho con lên giường khi bé vẫn còn thức nhưng đã có hiện tượng buồn ngủ. Điều này giúp bé có thể điều hòa thói quen đi ngủ cho mình.