Nếu bố mẹ không có biện pháp phòng ngừa, can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Dưới đây là những bệnh có thể khiến trẻ bị lùn.
Bệnh tiêu chảy
Theo bác sĩ Hà Vinh (Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM), các bệnh nhiễm trùng đường ruột cũng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
Theo nghiên cứu của Moore và cộng sự theo dõi một nhóm 119 trẻ em trong 10 năm ở phía Bắc Brazil,, trong 2 năm đầu đời nếu trung bình bé bị 7 đợt tiêu chảy thì lúc 7 tuổi sẽ thấp hơn 3,6 cm so với bạn cùng lứa tuổi không mắc bệnh.
Một nghiên cứu khác của Guerrant và các cộng sự, khi theo dõi một nhóm trẻ khác cũng ở khu vực phía Bắc Brazil cho thấy, trẻ bị tiêu chảy hoặc bị nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidia đường ruột trong 2 năm đầu đời thì chức năng nhận thức bị suy giảm tỉ lệ thuận với số lần mắc tiêu chảy. Sau này trẻ dễ bị đi học muộn khoảng 12 tháng so với các bạn không bị bệnh.
Tháng 3/2011, Weisz và cộng sự công bố nghiên cứu sau khi theo dõi nhóm trẻ ở Malawi (châu Phi), kết quả chỉ ra cùng được tiếp nhận dinh dưỡng bổ sung như nhau nhưng trẻ bị tiêu chảy càng nhiều ngày thì sau 24 tháng sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng càng bị suy giảm.
Mối tương quan giữa tiêu chảy và suy dinh dưỡng đã được biết đến với khái niệm “vòng xoắn chết người”: tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng, suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị tiêu chảy… Về lâu dài, vòng luẩn quẩn đó tác động đến sự phát triển chiều cao và trí tuệ của trẻ.
Nguyên nhân được giải thích là do khi bị nhiễm trùng đường ruột (có tiêu chảy hoặc không), trẻ có nguy cơ mất protein qua đường ruột, giảm hấp thu dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển. Việc tái phân bố năng lượng vào việc chống bệnh cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng nuôi dưỡng não.
Cũng theo bác sĩ, dù được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ tiêu chảy nhiều lần cũng vẫn bị thấp còi hơn các trẻ khác. Trong khi nhiều bậc phụ huynh vẫn nghĩ rằng những gì đã mất đi trong lúc trẻ bị tiêu chảy có thể phục hồi hoàn toàn sau khi hết bệnh, thực tế có những tổn thương không thể phục hồi hoàn toàn như trước được.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, để con phát triển chiều cao, bố mẹ đừng quên các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng lây truyền qua bàn tay người chăm sóc và bàn tay trẻ.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, 80% bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay như tiêu chảy, tay chân miệng, thương hàn… đều liên quan đến hành vi không rửa tay bằng xà phòng. Bởi vậy, biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất là rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
Bệnh giun sán
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Moore và cộng sự, trẻ bị nhiễm giun cũng sẽ ảnh hưởng đến chiều cao. Cụ thể, trẻ bị giun trong 2 năm đầu đời khi lên 7 sẽ thấp hơn các bạn khác 4,6 cm.
Nếu trẻ vừa bị tiêu chảy, vừa mắc giun sán trong thời gian này thì chiều cao có thể giảm tới 8,2cm. Đề phòng giun sán, việc làm đơn giản nhất cũng chính là vệ sinh tay bằng xà phòng thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Các thực phẩm trước cần được rửa thật sạch và chế biến kỹ.
Bệnh đau xương phát triển
Triệu chứng của đau xương phát triển (còn gọi là đau xương tăng trưởng) không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ.
Đau xương phát triển có biểu hiện như: Cơn đau thường xảy ra ở các cơ, mặt trước của đùi, đau trong bắp chân, sau gối, trẻ thường đau vào buổi tối (sau một ngày hoạt động) và cơn đau kéo dài trong vài ngày, ít lâu lại tái lại.
Tình trạng này thường xảy ra rõ nhất trong giai đoạn trẻ nhỏ từ 3 – 5 tuổi và trẻ lớn từ 8 – 12 tuổi. Đây đều là những giai đoạn tiền đề cho sự phát triển chiều cao.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau xương phát triển là do cơ thể phát triển nhanh hơn so với lứa tuổi, hệ xương và cơ không phát triển cùng nhịp, các đầu bám gân, xương chưa chắc chắn. Cụ thể là hệ xương phát triển quá nhanh làm hệ cơ phát triển không “theo kịp”, xương dài ra nhưng các sợi dây cơ chạy dọc theo ống xương không dài bằng nên bị kéo căng ra gây đau bắp, bụng chân, tay hay còn gọi là đau cơ. Trẻ thường nhức mỏi vào ban đêm vì đó là thời điểm xương phát triển nhanh nhất.
Bên cạnh đó, do hệ xương phát triển nhanh nhưng các dưỡng chất xây dựng khung xương không được đáp ứng kịp thời như vitamin K2, canxi, vitamin D… Thiếu bất cứ một loại vi chất nào trong bộ ba này sẽ gây rối loạn co cơ dẫn đến đau cơ khớp, trẻ thường xuyên đau nhức ở cánh tay, cẳng chân, khi ngủ bứt rứt không yên.
Vì vậy, bên cạnh những biện pháp hạn chế nô đùa quá sức, xoa bóp chườm để giảm đau thì trẻ ở độ tuổi đau xương phát triển cần được ăn uống đầy đủ cân đối 4 nhóm thực phẩm gồm: tinh bột, protein, lipid, chất xơ. Đồng thời, trẻ cần được bổ sung các dưỡng chất cần thiết như canxi, vitamin D, vitamin K2… đầy đủ và kịp thời để giúp thoát khỏi tình trạng đau nhức và phát triển chiều cao.