Tất tần tật những thông tin về vai trò của vitamin D đối với cơ thể, những biểu hiện của việc thiếu vitamin D ở trẻ, nhu cầu vitamin D theo độ tuổi… sẽ được giải đáp ngay sau đây. Mời bạn đọc theo dõi.
Vai trò của vitamin D đối với trẻ
Vitamin D là vi chất cực kỳ cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là với sự phát triển của trẻ nhỏ trong những năm đầu tiên sau khi chào đời.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phốt pho, làm tăng hấp thu canxi và phốt pho qua đường tiêu hóa. Tại xương, vitamin D cùng hormon cận giáp kích thích chuyển hoá canxi và phốt pho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ có đủ lượng vitamin D cần thiết sẽ là điều kiện thiết yếu để canxi và phốt pho được gắn vào trong mô xương.
Theo bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, nguyên trưởng khoa Nội tổng quát – Cơ xương khớp, BV Nhân dân 115, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về vitamin D thì, vitamin D không chỉ là một vitamin đơn thuần mà với các bằng chứng khoa học hiện nay, đây thực sự là một nội tiết tố, một hoóc-môn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan bên trong cơ thể con người.
Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, xương khớp (còi xương ở trẻ em, nhuyễn xương ở người lớn), làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vitamin D có vai trò trong điều hòa hoạt động hệ miễn dịch, tăng nguy cơ của các bệnh nội tiết trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, cao huyết áp cũng như các bệnh lý cơ tim…
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt…
Biểu hiện của thiếu vitamin D ở trẻ
Dấu hiệu sớm: Các dấu hiệu của hệ thần kinh
– Trẻ ra nhiều mồ hôi trộm về đêm, ngay cả khi thời tiết lạnh. Mồ hôi đổ nhiều ở vùng trán, đầu, gáy…
– Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích.
– Trẻ bị rụng tóc hình vành khăn ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).
– Trẻ chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo), da xanh, lách to.
Dấu hiệu muộn: Các dấu hiệu ở xương
– Trẻ chậm mọc răng và răng mọc không cân đối.
– Trẻ chậm vận động (chậm lẫy, bò, đi).
– Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp.
– Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm, trở lại bình thường khi nhấc tay ra, đầu bẹt.
– Bướu xương sọ, thường ở vùng trán và vùng đỉnh.
– Đầu xương cổ tay to, phì đại thành “vòng cổ tay”.
– Chuỗi xương sườn và lồng ngực biến dạng, chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống.
– Có thể bị co giật do hạ can xi máu.
Những trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D cao nhất
Trẻ đẻ non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2,5kg.
Trẻ không được tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời (đặc biệt là trong những tháng mùa đông), trẻ bị che chắn quá kỹ khi ra nắng.
Trẻ không được bú mẹ hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nguồn vitamin D trong sữa mẹ thấp do mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng, mẹ không bổ sung vitamin D khi cho con bú, mẹ có tình trạng thiếu hụt vitamin D nặng trong thời gian mang thai.
Trẻ ăn sữa ngoài, ăn bột sớm, ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu canxi) hoặc chế độ ăn thiếu canxi, phốt pho, vitamin và chất khoáng khác.
Trẻ có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt, không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D, ít ăn cá (cá hồi, cá thu…).
Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hoá kéo dài…).
Nhu cầu vitamin D theo độ tuổi
Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ khuyến cáo, nhu cầu vitamin D hằng ngày để xương phát triển tốt với trẻ sơ sinh đến 1 tuổi ít nhất là 400 IU/ngày, không được vượt quá 1.000 IU/ngày đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng và 1.500 IU/ngày ở trẻ 6 tháng đến 1 tuổi.
Trẻ từ 1 – 18 tuổi cần ít nhất là 600 IU/ngày, tốt nhất là khoảng 1.000 IU/ngày nhưng không được vượt quá 2.500 IU/ngày đối với trẻ 1-3 tuổi, 3.000 IU/ngày ở trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày những trẻ trên 8 tuổi.
Phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần ít nhất là 600 IU/ngày, tốt nhất là 1.500 IU/ngày nhưng không được vượt quá 4.000 IU/ngày.
Trẻ em, người lớn béo phì và những người đang sử dụng thuốc chống động kinh, glucocorticoid, chống nấm như ketoconazole và những thuốc điều trị bệnh suy giảm miễn dịch (AIDS) cần ít nhất liều cao hơn 2-3 lần.
Đối với trường hợp đã thiếu vitamin D, liều lượng cần cao hơn, cụ thể là 2.000 IU/ngày ở trẻ dưới 1 tuổi, 4.000 IU/ngày ở trẻ 1-18 tuổi và 10.000 IU/ngày ở những người trên 19 tuổi để điều chỉnh, điều trị và phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin D.
Lưu ý khi bổ sung vitamin D3 cho trẻ
– Bổ sung liều dùng hằng ngày là cách an toàn nhất.
– Nên bổ sung vitamin D3 riêng lẻ, không nên bổ sung vitamin tổng hợp vì bé có thể không cần đến các vitamin khác đó.
– Bổ sung đúng, chuẩn liều lượng theo theo khuyến cáo, tránh tình trạng quá liều có thể khiến trẻ chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều, tiêu chảy…